.

Vì sao tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ vẫn "nóng"?

"Không có quy định cấm chủ đầu tư lựa chọn các cách tính diện tích khác nhau cho các hợp đồng, tuy nhiên, việc quy định khác nhau sẽ dễ dẫn đến khiếu kiện của người mua" Ls Hiền cho biết.
Sáng ngày 19/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Các giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trong thị trường bất động sản”.
Tại Hội thảo, Luật sư Thành viên Nguyễn Trúc Hiền – Giám đốc, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF – Hồng Đức) đã trình bày một số vấn đề pháp lý của các dạng tranh chấp trong các giao dịch bất động sản, trong đó đáng chú ý nhất là tranh chấp về diện tích chung riêng, cách tính diện tích căn hộ.
Theo Ls. Hiền trong tranh chấp giữa chủ đầu tư nhà chung cư và chủ sở hữu căn hộ chủ yếu là tranh chấp trong xác định diện tích chung. Điển hình là vụ tranh chấp giữa các chủ hộ chung cư Botanic Towers và Công ty Phú Hưng Gia về quyền sở hữu đối với các diện tích tầng hầm, tầng trệt, tầng lửng là tài sản của Phú Hưng Gia hay thuộc sở hữu chung của các chủ hộ nhà chung cư.

Tranh chấp tầng hầm để xe tại chung cư cao cấp The Manor khi chủ đầu tư Bitexco khẳng định tầng hầm để xe thuộc sở hữu của mình và đơn phương áp đặt mức phí trông giữ xe ô tô, còn các cư dân ở đây cho rằng diện tích này thuộc sở hữu của mình và yêu cầu quyền được gửi xe với mức phí do UBND thành phố Hà Nội quy định.Do vậy, để tránh tranh chấp, ngoài các diện tích được quy định cụ thể theo luật, các diện tích khác cần được xác định cụ thể trong các hợp đồng mua bán nhà.

Tranh chấp về việc các chủ đầu tư chung cư tự ý quyết định sử dụng các diện tích chung theo ý của mình.,Ví dụ: Tranh chấp tại Chung cư số 3 Yên Ninh khi chủ đầu tư tự ý cải tạo tầng thượng thành diện tích văn phòng cho thuê mà không tham khảo ý kiến của các người mua nhà.

Bên cạnh đó, theo Ls. Hiền tranh chấp về việc cách tính diện tích riêng của các căn hộ cũng là một vấn đề nhức nhối trên thị trường BĐS. Gần đây là vụ tranh chấp giữa khách hàng cụm chung cư CT7 và Tập đoàn Nam Cường về cách tính diện tích sàn của các hộ được bàn giao; hoặc tranh chấp giữa chủ hộ tại tòa nhà CT6A Đại Thanh và Chủ dự án (Chủ dự án chia khách hàng thành hai nhóm với cách tính diện tích khác nhau. Gần 300 căn bị tính diện tích theo tim tường chung và toàn bộ tường bao căn hộ, cột, hộp kỹ thuật. Trong khi đó, khoảng hơn 900 căn còn lại, hợp đồng tính diện tích từ tim tường chung và tim tường bao ngoài).

Theo Ls. Hiền, về mặt cơ sở pháp luật, theo điều 21 của Thông tư 16/2010/TT-BXD ngày 1/9/2010 hướng dẫn Nghị định 71/2010/NĐ-CP về Luật Nhà ở do Bộ Xây dựng ban hành, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư phải ghi rõ thêm các nội dung phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn căn hộ mua bán.

"Diện tích sàn căn hộ mua bán có thể được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thuỷ của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ. Không có quy định cấm chủ đầu tư lựa chọn các cách tính diện tích khác nhau cho các hợp đồng, tuy nhiên, việc quy định khác nhau sẽ dễ dẫn đến khiếu kiện của người mua", Luật sư Thành viên Nguyễn Trúc Hiền nhấn mạnh.
Theo Thanh Ngà (Trí Thức Trẻ)

Bạn có thể đọc bài viết này trong các mục tin tức với tiêu đề Vì sao tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ vẫn "nóng"?. Nếu bạn quan tâm bạn có thể copy lại trang này với URL sau http://chungcumini-hn.blogspot.com/2013/12/vi-sao-tranh-chap-ve-cach-tinh-dien-tich-can-ho.html. Xin cảm ơn!
Quản lý trang: Chung cư mini Hà Nội - Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Mời bạn đặt câu hỏi cho "Vì sao tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ vẫn "nóng"?"

Đăng nhận xét

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang