.

Đừng để chung cư cũ trở thành "vấn nạn"

Tại các đô thị, nhất là Hà Nội và Tp.HCM, hệ thống chung cư cũ (CCC) nát, xuống cấp, gây mất mỹ quan lâu nay đã nổi lên như một vấn đề nóng. Tuy nhiên, việc xử lý ra sao thì thường lại nửa vời, thiếu sự đồng tình của người sử dụng.


Mới đây, Bộ Xây dựng lại ra văn bản về vấn đề này, được coi như một nỗ lực tìm đường ra cho "vấn nạn chung cư cũ”. Đó là công văn 2186/BXD-GĐ gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, nhấn mạnh việc tăng cường  quản lý chất lượng các CCC.

Hiện cả nước còn tồn tại nhiều công trình chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, có quy mô phổ biến từ 2 - 5 tầng. Do việc "nhấp nhổm” tháo gỡ, nên CCC hầu như không được bảo trì, sửa chữa định kỳ, phần lớn đã xuống cấp, hư hỏng, lún, nứt hoặc biến dạng hệ kết cấu chịu lực. Không ít CCC đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn, đặc biệt là trong trường hợp công trình chịu các tác động bất thường như gió bão, động đất, hỏa hoạn,...


Từ Bộ Xây dựng cho đến chính quyền địa phương từng đưa ra nhiều giải pháp giải quyết. Tuy nhiên, các giải pháp còn thiếu đồng bộ cũng như gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, tái định cư, đền bù… nên số CCC được sửa chữa, cải tạo, xây mới chiếm tỷ lệ rất thấp. Đặc biệt đáng lo ngại là tới nay vẫn tồn tại không ít CCC ở cấp D - cấp "nguy hiểm”.

Hà Nội có nhiều CCC nhất cả nước và cũng là nơi mà chính quyền "loay hoay” nhiều nhất để tìm phương án giải quyết, và kết quả đạt được cũng không đáng là bao. Theo số liệu của đầu năm 2013, Hà Nội mới hoàn thành 1% kế hoạch cải tạo chung cư cũ, trong đó mới chỉ tập trung giải quyết các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D buộc phải di dời để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, như khu B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn, C7, D6, D2 Giảng Võ... Tại thời điểm này, con số 1% cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít do đã khởi công xây dựng mới chung cư N3 tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

Trở lại với yêu cầu của Bộ Xây dựng gửi tới các địa phương, có những yêu cầu được đặt ra khá thiết thực. Trong đó có những việc nhắc nhở cần phải làm ngay để giảm tốc độ xuống cấp của CCC, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý của chính quyền ở những khu vực dân cư này. Theo đó, cần khẩn trương rà soát để đánh giá mức độ hư hỏng, xuống cấp làm căn cứ quyết định việc cải tạo, sửa chữa hoặc phá dỡ, xây mới cũng như cân nhắc phương án di dời dân nếu công trình không còn an toàn.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cho rằng cần tổ chức lập quy trình, kế hoạch bảo trì đối với CCC. Điều này tạo điều kiện cho chính quyền địa phương cho phép sửa chữa, gia cố các khu CCC đã quá nhếch nhác, chứ không "bảo tồn nguyên trạng” chờ chủ trương như trước.
(Theo ĐĐK)
Bạn có thể đọc bài viết này trong các mục tin tức với tiêu đề Đừng để chung cư cũ trở thành "vấn nạn". Nếu bạn quan tâm bạn có thể copy lại trang này với URL sau http://chungcumini-hn.blogspot.com/2013/11/ung-e-chung-cu-cu-tro-thanh-van-nan.html. Xin cảm ơn!
Quản lý trang: Chung cư mini Hà Nội - Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Mời bạn đặt câu hỏi cho "Đừng để chung cư cũ trở thành "vấn nạn""

Đăng nhận xét

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang