.

Tranh chấp tại chung cư: Do quy định pháp luật chưa bắt kịp hiện thực

Trong những năm gần đây, các dự án nhà chung cư đang phát triển mạnh tại Việt Nam do nhu cầu nhà ở tăng cao. Tuy nhiên, kéo theo đó là các tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến chung cư cũng liên tục xảy ra, nhất là ở các thành phố lớn.

Luật sư Quách Thành Lực (Hà Nội) cho rằng, càng ngày các tranh chấp này càng diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, chủ đầu tư cũng như sự tăng trưởng của thị trường BĐS nói chung và thị trường chung cư nói riêng.

Tòa chung cư tại Hà Nội
Phổ biến nhất trong các tranh chấp chung cư là tranh chấp ở phần sở hữu diện tích chung. Thời gian qua đã xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến vấn đề này. Điển hình là tranh chấp tại chung cư số 3 Yên Ninh khi chủ đầu tư tự ý cải tạo tầng thượng thành diện tích văn phòng cho thuê mà không tham khảo ý kiến của các người mua nhà. Tranh chấp tầng hầm để xe tại chung cư cao cấp The manor, khi chủ đầu tư Bitexco khẳng định tầng hầm để xe thuộc sở hữu của mình và đơn phương áp đặt mức phí trông giữ xe ô tô, còn các cư dân ở đây cho rằng diện tích này thuộc sở hữu của mình và yêu cầu quyền được gửi xe với mức phí do UBND thành phố Hà Nội quy định. Bộ Xây dựng đã vào cuộc và đã xác định quyền sở hữu các phần diện tích đang có tranh chấp. Căn cứ vào các điều khoản của Hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng, Bộ Xây dựng khẳng định, chi phí xây dựng tầng hầm được tính riêng và không phân bổ vào giá bán các căn hộ. Giá trị tầng hầm đã được Bitexco đưa vào danh mục BĐS đầu tư để trích khấu hao. Việc Bitexco khẳng định tầng hầm thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư là có cơ sở.

Một loại tranh chấp cũng phổ biến và đa dạng không kém đó là tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ chung cư. Tranh chấp tại chung cư cao cấp Keangnam, là một ví dụ điển hình. Theo đó các hộ dân ở đây cho rằng, chủ đầu tư đòi phí quản lý căn hộ quá cao, phí trông giữ ô tô, xe máy cũng rất cao (1.462.000 đồng/ô tô/tháng, trong khi quy định của thành phố là 875.000 đồng/ô tô/tháng); công trình chưa hoàn thiện đã thu phí. Trong khi đó phía chủ đầu tư cho rằng, mức phí này đã được thỏa thuận trong hợp đồng và được các hộ dân đồng ý.
Bên cạnh đó, còn có các tranh chấp về việc góp vốn mua nhà, tiến độ xây dựng, thanh toán, chất lượng xây dựng, bầu ban quản trị đến tranh chấp về các dịch vụ cung cấp độc quyền như gas, điện, nước, internet…
Trong những năm qua, thị trường BĐS thuộc về các chủ đầu tư do nguồn cung nhà ở ít thua xa nhu cầu. Chính điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa chủ đầu tư và người mua nhà. Chủ đầu tư luôn áp đặt các điều khoản trong hợp đồng, nên đã nảy sinh các tranh chấp. Hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến nhà chung cư là quá chậm, chưa bắt kịp sự phát triển của nhà chung cư. Trong khi đó, văn bản quá nhiều, lại vừa thừa vừa thiếu, chồng chéo mâu thuẫn, gây khó khăn khi áp dụng giải quyết các tranh chấp. Vì vậy, Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, quan trọng hơn hết là cần sớm ban hành Luật Chung cư để điều chỉnh tất cả các quan hệ liên quan đến nhà chung cư từ khi hình thành đến khi đi vào vận hành sử dụng. Việc tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh sẽ giúp hạn chế và giải quyết nhanh các tranh chấp liên quan đến nhà chung cư.
(Theo TBNH)
Bạn có thể đọc bài viết này trong các mục tin tức với tiêu đề Tranh chấp tại chung cư: Do quy định pháp luật chưa bắt kịp hiện thực. Nếu bạn quan tâm bạn có thể copy lại trang này với URL sau http://chungcumini-hn.blogspot.com/2013/11/tranh-chap-tai-chung-cu-do-quy-dinh.html. Xin cảm ơn!
Quản lý trang: Chung cư mini Hà Nội - Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Mời bạn đặt câu hỏi cho "Tranh chấp tại chung cư: Do quy định pháp luật chưa bắt kịp hiện thực"

Đăng nhận xét

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang