.

Thuê nhà để ở: Cẩn trọng ở tất cả các khâu

Để tìm và lựa chọn được một căn hộ thuê nhà để ở, rất nhiều cá nhân, gia đình trẻ gặp đủ chuyện "cười ra nước mắt".

Tại các đô thị lớn như Tp.HCM hay Hà Nội, dự báo, tỷ lệ người ở nhà thuê (từ căn hộ cao cấp tới cấp 4) ngày càng gia tăng, vì những lý do khách quan từ chính sách vĩ mô tới thị trường.

Tránh loạn thông tin

Với các căn hộ cho thuê cao cấp (nằm trong dự án dạng tổ hợp nhà ở, văn phòng cho thuê, hoặc chuyển mục đích căn hộ sau khi bị ế ẩm kéo dài), người thuê thường có tài chính trung bình khá trở lên, do giá thuê loại này cao nhất. Tiếp theo, các căn hộ dịch vụ, hướng tới các khách hàng có thu nhập trung bình (bao gồm cả người nước ngoài tại Việt Nam) cần thuê nhà trong ngắn hạn.

Cuối cùng, là những loại căn hộ dạng chung cư mini, hoặc do cá nhân, gia đình tự xây dựng, hoàn thiện và cho thuê – sản phẩm giữ được thanh khoản cao nhất ở thị trường Hà Nội. Theo đó, lượng khách hàng mục tiêu dành cho phân đoạn căn hộ diện tích dưới 100m2, giá dao động 4-11 triệu/tháng (tùy vị trí, nội thất, tiện ích…) liên tục được gia tăng.

Thông thường, người tìm thuê các căn hộ dạng này bao gồm người trẻ độc thân và hộ gia đình 3 khẩu (bố mẹ và con). Họ sử dụng kênh tìm kiếm nơi trọ như các trang mạng về BĐS; hỏi thăm bạn bè, người thân; đọc báo Mua&Bán… – những "ma trận" thông tin với đủ lời quảng cáo hấp dẫn "thật, ảo" lẫn lộn, do chủ nhà, hay thậm chí môi giới tung ra nhằm lôi kéo khách.

Giải pháp để lọc được thông tin đáp ứng đúng nhu cầu thuê của mình: gọi điện để check các thông tin cụ thể được đăng tải như, diện tích phòng, vị trí tầng, địa bàn, giá điện nước, trông giữ xe, giờ giấc đi về… Sẽ xuất hiện hai trường hợp: nếu gặp đúng chính chủ cho thuê, các thông tin trên sẽ được giải đáp cặn kẽ, hoặc hẹn tới tận nhà để trao đổi; còn gặp môi giới trung gian, họ sẽ nói 50% thông tin và đề cập vấn đề hoa hồng giới thiệu. Vì vậy, nếu gặp môi giới, người có nhu cầu thuê nên sẵn sàng hợp tác theo đúng "luật" môi giới, miễn là giao kèo theo hợp đồng ký kết hợp thức.

Một căn hộ thuê ưng ý sẽ phải đáp ứng cả hai yêu cầu: sinh hoạt đi lại tiện lợi nhất và giá thành trong khả năng tài chính. Đi thuê nhà, khách thường phải chuẩn bị sẵn khoản tiền đặt cọc (bắt buộc). Có thể đặt cọc 1 tháng tiền thuê (với căn hộ thuê diện tích lớn, khép kín, cơ bản nội thất), hoặc chỉ vài trăm nghìn đồng (phòng nhỏ do gia đình tự xây).
Trước khi đặt cọc, người thuê cần xem xét vị trí của nơi thuê sao cho phù hợp nhất với mục đích học tập, làm việc, cũng như gần các hạ tầng xã hội (chợ, trường học, y tế, vui chơi). Đồng thời, việc hỏi thăm hàng xóm (những người đã thuê trong cùng khu) về tình trạng tiêu thoát nước lúc trời mưa to, cũng như các tệ nạn xã hội ở địa bàn cũng không thể bỏ qua để tránh hối tiếc về sau.

Hiện tại, lượng khách hàng thuê tìm tới các căn hộ yêu cầu đủ nội thất chưa đáng kể với những người chỉ cần nơi trọ. Do đó, không gian để bố trí đồ đạc (tủ, bàn làm việc, giường…) cũng như điều kiện chống nóng, hạn chế độ ẩm quá cao và gió lạnh rất cần được tính trước. Sắp xếp đồ đạc gọn nhất sẽ làm giảm cảm giác bức bối, ngột ngạt vào mùa hè (với căn hộ diện tích nhỏ, không có trần chống nóng tốt). Tiếp đến, với loại phòng trọ chung nhà vệ sinh (cùng tầng, hoặc cùng dãy), người thuê cần nói "không" nếu phải chung nhà vệ sinh với 4-5 hộ.

Thật chi tiết về hợp đồng

Xác định đúng mục đích và số lượng người ở cùng mình để tìm đúng căn hộ diện tích tương ứng là điều quan trọng. Cân đối tài chính và nhân khẩu, khách sẽ tránh được tình cảnh: vì tiết kiệm tiền mà chọn phải căn phòng quá chật chội, hay thuê phòng quá rộng, thừa thãi lãng phí.

Đối với chất lượng sống tại căn hộ thuê, yếu tố thời gian sinh hoạt cần chú ý khi ở cùng chủ nhà. Hỏi rõ chủ nhà về giờ giấc đi lại, đóng cửa, mở cửa, bạn bè tới thăm, chìa khóa riêng sẽ giúp hạn chế bức xúc trong quá trình sinh hoạt. Nếu ở căn hộ biệt lập, đủ nội thất, người thuê cần kiểm tra kỹ các thiết bị như giường tủ, bếp, thiết bị vòi sen, điều hòa, TV và lập biên bản nhận bàn giao thuê với chủ một cách tỉ mỉ nhất.

Cuối cùng, ký hợp đồng với chủ nhà. Bên cạnh giá thuê đã thỏa thuận trước đó, những yếu tố "phụ" như giá điện, nước hàng tháng thường bị người thuê không chú ý. Theo đó, căn cứ pháp lý quan trọng nhất là Thông tư 38/2012/TT-BCT, đối với sinh viên, người lao động thuê nhà để ở: cứ 4 người đăng ký, được hưởng định mức của một hộ (1 người được tính là _ định mức). "Tuyệt vời" nhất cho người thuê là phòng trọ có đồng hồ nước và công tơ điện riêng.

Trước khi ký hợp đồng do chủ nhà soạn sẵn, khách cần đọc kỹ các điều khoản về thông tin người cho thuê, người thuê; giá thuê nhà, tiền đặt cọc, bồi thường nếu xảy ra hư hỏng thiết bị trong nhà. Để tránh việc chủ nhà tự tiện phá hợp đồng đột ngột, cần giao kết về thời gian thông báo trước khi một trong hai bên muốn chấm dứt giao dịch, trong đó ghi rõ khoản đền bù nếu vi phạm điều này…

                                                                                                                                              Minh Tuấn


Bạn có thể đọc bài viết này trong các mục tin tức với tiêu đề Thuê nhà để ở: Cẩn trọng ở tất cả các khâu. Nếu bạn quan tâm bạn có thể copy lại trang này với URL sau http://chungcumini-hn.blogspot.com/2013/11/thue-nha-e-o-can-trong-o-tat-ca-cac-khau.html. Xin cảm ơn!
Quản lý trang: Unknown - Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Mời bạn đặt câu hỏi cho "Thuê nhà để ở: Cẩn trọng ở tất cả các khâu"

Đăng nhận xét

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang