.

BĐS PHÍA ĐÔNG HÀ NỘI: ÂM THẦM "SỐT NÓNG"

BĐS phía Đông Hà Nội: Âm thầm "sốt nóng”

Bất động sản (BĐS) khu vực phía Đông Hà Nội có hạ tầng được cải thiện, giao thông khớp nối tốt nhờ cầu Thanh Trì, mọi chuyện đã khác với những dự án nhà ở nơi đây.

Áp lực về mức giá (ngay tại phân khúc bình dân và trung cấp) của các sản phẩm nhà ở trong khu vực nội đô đã buộc nhiều người phải mở rộng "địa bàn" sang các quận huyện ngoại vi như Gia Lâm, Sài Đồng, Cự Khối… 3-4 năm trước, người dân cần nhà luôn lắc đầu đối với những căn hộ, đất nền thổ cư ở khu vực Gia Lâm, Cự Khối, Đa Tốn vì quá xa trung tâm (phải đi qua cầu Chương Dương và Long Biên).

Sau phía Tây, Đông hút khách

Từ giữa 2011 đến nay thị trường BĐS phía Tây Thủ đô hấp dẫn nhiều nhà đầu tư địa ốc tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong dài hạn.
 Trong khi đó, được quan tâm sớm hơn, nhưng phải tới 2012, khu vực phía Đông Hà Nội mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu an sinh của người dân. Năm 2009 được xem là bước "đề-pa" thay đổi căn bản hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội khu vực này với sự kiện Thủ tướng Chính phủ có quyết định dành một phần diện tích Khu công nghiệp Sài Đồng B để làm khu vực phụ (bao gồm chung cư và khu dân sinh phục vụ Khu công nghiệp Hanel).
 Năm 2011, thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc chung cư để ở, đất nền ở địa bàn Gia Lâm, Sài Đồng bắt đầu được "để mắt" nhờ cầu Thanh Trì phát huy vai trò đảm bảo huyết mạch giao thông từ Sài Đồng về Pháp Vân. Trước tiên, dự án chung cư Sài Đồng do Công ty Xây dựng nhà số 3 bán đắt như tôm tươi (mức giá 15-19 triệu đồng/m2 tùy diện tích, vị trí căn) đã "đánh động" nhiều tên tuổi doanh nghiệp khác tìm tới địa bàn được xem là "lố nhố làng lên phố".
 
Nguồn cung không đáp ứng nổi sức cầu thực, BĐS phía Đông Hà Nội
vẫn đang ngóng làn sóng nhà giá rẻ tìm tới
Tháng 7/2011, đất phân lô và biệt thự ở khu Sài Đồng bất ngờ tăng giá đến "chóng mặt" với mức 65 triệu đồng/m2 (biệt thự), 80 triệu đồng/m2 (phân lô liền kề) nhưng chỉ dừng ở giao dịch lác đác. Thời điểm này cũng là lúc Viglacera triển khai Khu đô thị Đặng Xá, Vihajico rục rịch cho ra đời Ecopark, HUD cũng trình làng Khu đô thị Việt Hưng, hay như đơn vị "ngoại" là Berjaya "chen chân" với dự án Hanoi Garden City.
Thị trường BĐS phía Đông Hà Nội trở nên hấp dẫn thực sự vào năm 2012. Không còn tâm lý "ngại vượt sông Hồng vào nội đô", người cần mua nhà và doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đã khai thác vùng đất mới này. Tháng 11/2012, Trung tâm Thương mại Savico Mega Mall (đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên) đi vào hoạt động đã đón trước được nhu cầu của dòng cư dân dịch chuyển tới phía Đông.

Tiếp sau Savico, Công ty CP Phát triển Đô thị Sài Đồng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần màu mỡ bằng dự án Khu đô thị Vincom Village (với sự hậu thuẫn đáng kể của Vincom). Ngay cả Hanel cũng dành một Khu công nghiệp cũ để lập dự án khu đô thị và xây dựng một trung tâm sản xuất phần mềm 43,4 ha, với 7 phân khu chức năng, trong đó có khu phát triển gia công phần mềm, tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại công nghệ và khu nhà ở dành cho các chuyên gia.

Dù cơ bản hoàn thiện về hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị nhưng khu vực Gia Lâm, Sài Đồng vẫn chưa xuất hiện nhiều đơn vị phát triển chung cư nhà giá rẻ như trong nội đô. Ngoại trừ Viglacera với điểm nhấn Khu đô thị Đặng Xá, những người lao động tại Thủ đô cần mua nhà tại đây vẫn ngóng đợi một số thương hiệu nhà ở "rẻ – bền" như Vinaconex, Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu, Handico, Coma tìm tới phía Đông Hà Nội.

Vẫn thiếu nhà giá rẻ

Tính sơ bộ, hiện chỉ có lác đác một vài dự án nhà ở được coi là "đáng đồng tiền bát gạo" ở Sài Đồng, Gia Lâm như: Chung cư Sunrise Building 3 Sài Đồng (giá dao động từ 17-21 triệu đồng/m2 cho căn hộ diện tích phổ biến ở khoảng 70-85m2); Happy House Việt Hưng (19-20 triệu đồng/m2 cho căn 100m2 đủ nội thất)… Còn lại, đa phần là những dự án chung cư mini của các chủ đầu tư là cá nhân, hộ gia đình phát triển tự phát nhằm đáp ứng "khoảng hẫng" về nguồn cung thị trường nhà giá rẻ nơi đây.

Thậm chí, ngay cả những dự án đang thu hút nhiều người có nhu cầu mua ở thực cũng có nhiều "điểm trừ". Đơn cử, công trình tòa nhà Sunrise3 Sài Đồng (với cả hai đơn nguyên A và B) bị nhiều chủ hộ phàn nàn do: chưa có cửa xả rác do khi thiết kế cửa xả rác lại có lỗ thoáng ra thang bộ, theo quy định PCCC hiện tại thì không đạt tiêu chuẩn – khiến nhiều gia đình phải xách rác từ tầng 9 xuống tầng 1 để đổ; phí dịch vụ tòa nhà cao hơn cả khu Việt Hưng (4.000 đồng/m2); vật dụng đồ gỗ trong nhà (cửa, tủ bếp) đều là gỗ công nghiệp (trong hợp đồng quy định cửa là gỗ tự nhiên nhưng chỉ có khung gỗ tự nhiên); chất lượng tường hơi kém do ít xi măng, nhiều cát…

Bù lại, ưu điểm của dự án chỉ dừng ở giao thông thuận tiện, gần cầu Vĩnh Tuy, gần Vincom Village, gần Savico, gần 2 chợ dân sinh là chợ Phúc Đồng và chợ Sài Đồng; gần trường học từ mầm non đến tiểu học, thiết kế căn hộ dễ bài trí đồ đạc. "Vị trí của dự án này rất tiện cho gia đình tôi di chuyển vào quận Hoàn Kiếm để làm việc và học tập, nhưng căn hộ này vẫn chưa thể coi là hoàn hảo. Tôi chờ đợi và hy vọng sang năm 2014, sẽ có nhiều hơn các công trình nhà ở bình dân – chất lượng đảm bảo để yên tâm chọn được một nơi sống ổn định và tiện lợi nhất", anh Hoàng Minh, cán bộ ngành giáo dục Hà Nội giải thích về quyết định tiếp tục ở nhà thuê tại quận Đống Đa để chờ làn sóng nhà giá rẻ tràn tới khu vực Gia Lâm – Sài Đồng.

                                                                                                                                          Nguyễn Cảnh
Bạn có thể đọc bài viết này trong các mục tin tức với tiêu đề BĐS PHÍA ĐÔNG HÀ NỘI: ÂM THẦM "SỐT NÓNG". Nếu bạn quan tâm bạn có thể copy lại trang này với URL sau https://chungcumini-hn.blogspot.com/2013/10/bs-phia-ong-ha-noi-am-tham-sot-nong.html. Xin cảm ơn!
Quản lý trang: Unknown - Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Mời bạn đặt câu hỏi cho "BĐS PHÍA ĐÔNG HÀ NỘI: ÂM THẦM "SỐT NÓNG""

Đăng nhận xét

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang